Có nên xây dựng thương hiệu quán cafe năm 2024? Khi thị trường kinh doanh đang có nhiều biến động, bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên do và hòa chung tình hình kinh tế suy thoái của toàn thế giới, thì câu hỏi này càng được nhiều người thắc mắc. Hôm nay Hian Interior muốn đem những trải nghiệm quý báu, kèm theo các phân tích khách quan để cùng bạn đi tìm lời giải cho câu hỏi: “Có nên xây dựng thương hiệu cà phê trong năm 2024?” ngay trong bài viết sau đây.
Thương hiệu cà phê dù mới thành lập hay tuổi đời đã lâu cũng phải chạy đua nhau trong một thị trường đầy tính cạnh tranh.
Nếu 70% cơ thể con người là nước thì cơ thể người dân đô thị Việt Nam phải có đến 10 hay thậm chí 20% là cà phê. Nói vui như vậy là bởi bên cạnh nước suối, nước lọc hay các loại nước nấu chín nói chung, cà phê chính là thức uống phổ biến thứ hai trong văn hoá và thói quen sinh hoạt của nhiều người dân đô thị.
Cũng giống như thói quen “mỗi ngày một ly trà sữa” của các bạn học sinh GenZ, hoặc nông dân ra đồng không thể thiếu bát nước chè vừa giải nhiệt vừa giải khát giữa trưa. Cà phê không chỉ là thức uống có thể sử dụng mỗi ngày, mà còn phù hợp với nhiều người hay mục đích sử dụng khác nhau.
Có lẽ vì vậy doanh thu của các quán và nhà sản xuất cà phê đã cải thiện rõ rệt, mong muốn mở quán hoặc thậm chí là một thương hiệu cà phê cũng xuất hiện nhiều hơn trước.
Điều này làm cho tính cạnh tranh của thị trường cà phê ngày một nâng cao, người làm khởi nghiệp dù kinh doanh hàng quán hay sản xuất, cung cấp cà phê cũng gặp nhiều khó khăn. Có nên mở thương hiệu cà phê mới không là một câu hỏi muôn thuở, từ năm này qua năm khác và trở thành bài toán hóc búa với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm.
1. Thương hiệu cà phê còn nhiều tiềm năng không?
Quay về thời điểm những năm 2013-2014, xu hướng khởi nghiệp mở quán và kinh doanh thương hiệu cà phê bắt đầu nở rộ ở Việt Nam. Dù đã có kinh nghiệm ở trong lĩnh vực này hay chưa, thậm chí mới là những bạn sinh viên sắp bước vào năm cuối của giảng đường, bất cứ ai cũng mong muốn có một thương hiệu cà phê của riêng mình.
Xu hướng này bắt đầu từ việc mô hình kinh doanh cà phê được đa dạng hoá. Hàng loạt hình thức kinh doanh quán mới nổi như cà phê sân vườn, cà phê boardgame, cà phê thú cưng, cà phê kết hợp working place (không gian làm việc),… được ra đời.
Các bạn trẻ bắt đầu tìm đến và đòi hỏi “nhiều hơn một ly cà phê” từ các quán cà phê. Cũng trong những lần ghé vào quán tâm sự với bạn bè, gặp gỡ người quen hoặc ngồi một mình “lướt face” và chơi game, ở trong mỗi người trẻ cũng dần hình thành suy nghĩ cho rằng “mở quán cà phê là cách làm giàu nhanh mà không cần có nhiều vốn.”
Mà đúng là kinh doanh thương hiệu cà phê thì làm giàu nhanh thật, bản chất cà phê là thức uống tiêu thụ ngay lập tức. Nó giúp nhà kinh doanh nhanh chóng thu lời và chủ động hơn trong quản lý dòng tiền của mình. Hơn nữa kinh doanh quán cà phê là loại hình kinh doanh mở ra cơ hội up sale lớn. Người bán có thể tích hợp thêm nhiều giá trị bổ sung như bán kèm nước ngọt, bánh ngọt cùng nhiều món ăn khác.
Gần đây còn xuất hiện thêm mô hình quán cà phê kết hợp làm việc, chủ quán lấy doanh thu từ việc cho thuê không gian ngồi học tập, làm việc còn món ăn hay thức uống đã được kèm vào giá cho thuê.
Nhưng đó đã là câu chuyện của nhiều năm về trước, thời gian gần đây mô hình kinh doanh cà phê nói chung và quán cà phê nói riêng đang có dấu hiệu chững lại. Cùng với những rủi ro nhìn thấy được trong giai đoạn đại dịch vừa qua, không ít người đặt câu hỏi rằng việc thành lập và kinh doanh một thương hiệu cà phê có còn tiềm năng hay không?
2. Xây dựng thương hiệu cà phê nguyên liệu, cà phê chế biến
Trước khi đi vào thị trường rộng lớn của hơn 500 ngàn quán cà phê tại Việt Nam (tính đến cuối năm 2021), Hian muốn nhìn lại và phân tích sâu hơn một thị trường khác không kém phần quan trọng – đó là các thương hiệu cà phê nguyên liệu và cà phê chế biến.
Phần lớn người Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới – chỉ sau Brazil. Thậm chí nếu chỉ tính riêng hạt cà phê Robusta thì Việt Nam đã nhiều năm “ngồi vững” trên vị trí số một.
Mọi chuyện còn trở nên lạc quan hơn khi từ năm 2020, Hiệp định Thương mại EVFTA được ký giúp thuế nhập khẩu cà phê chế biến vào EU xuống còn 0%.
Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể lạc quan trên lý thuyết, trong thực tế cà phê chế biến nói chung và cà phê rang xay/hoà tan nói riêng không phải thế mạnh của thị trường Việt Nam.
Thế mạnh của Việt Nam vốn là cà phê nhân, đặc biệt là cà phê Robusta với đặc tính ưa thích khí hậu nhiệt đới và vùng trồng khu vực Trung Nguyên. Đó là lý do vì sao chỉ 4 tỉnh thành Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Lâm Đồng thôi đã chiếm đến hơn 90% diện tích vùng trồng Robusta cả nước.
Chỉ thúc đẩy thế mạnh của cà phê nhân thôi là chưa đủ để gồng gánh cả một nền công nghiệp, thậm chí theo thời gian còn làm suy giảm năng lượng và giá trị kinh tế ngành. Người kinh doanh thương hiệu cà phê cần đầu tư hơn nữa về nguồn lực, hệ thống và cơ sở vật chất cho các hoạt động chế biến.
Điều lạc quan khi một lĩnh vực hay ngành hàng bất kì vẫn còn tồn đọng các vấn đề, đó cũng chính là cơ hội và tiềm năng phát triển cho các thương hiệu mới nổi. Thị trường cà phê nguyên liệu cũng như thế, gia tăng và cải thiện năng lực chế biến chính là con đường đúng đắn mà nhiều thương hiệu cà phê khởi nghiệp cần nghiêm túc theo đuổi.
3. Xây dựng thương hiệu quán cà phê F&B
Người Việt Nam chúng ta không uống cà phê như người Mỹ hay người Hàn Quốc, nghĩa là uống vội ly cà phê trên đường đi làm hoặc vào đến công ty rồi mới dùng cà phê.
Người Việt Nam thích ngồi nhâm nhi tách cà phê ngoài hàng quán, thậm chí đến hàng giờ đồng hồ cũng không sao vì nhiều người có thể kết hợp với học tập và làm việc từ xa. Các bác “lão niên” lại càng quen với việc ngồi nhiều giờ ngoài quán cà phê. Họ có thể đọc báo, đánh cờ hay đơn giản là ngắm nhìn dòng xe cộ qua lại đông đúc.
Kinh doanh quán cà phê mà cảm thấy khó chịu với việc khách hàng ngồi lâu, ngồi mấy tiếng đồng hồ nhưng chỉ gọi một ly nước thì không ổn. Ngồi cà phê từ lâu đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng của người Việt, một số thương hiệu cà phê take away trong quá trình phát triển cũng phải tập thích nghi với nét văn hoá đặc biệt này.
Có thể thấy rõ tiềm năng để kinh doanh thương hiệu cà phê F&B tại Việt Nam. Thói quen ngồi quán trong thời gian dài của khách hàng chính là tiềm năng để các nhà sáng lập, cùng với đội ngũ thương hiệu khai thác tối đa tiềm năng lợi nhuận của mình – từ đó liên tục cải thiện thu nhập ròng cho cả đội ngũ.
Đáng tiếc là phần lớn những nhà kinh doanh, đặc biệt là các bạn khởi nghiệp trẻ tuổi vẫn đang đầu tư hay phát triển thương hiệu cà phê một cách manh mún, thiếu kiểm soát và tính nhất quán còn chưa được cao.
Thay vì xây dựng bản sắc và chiến lược rõ ràng, cụ thể từ những ngày đầu thành lập thương hiệu cà phê rồi trung thành theo đuổi định hướng đó.
Nhiều doanh nhân khởi nghiệp hiện nay có xu hướng yêu thích, bị thuyết phục rồi không ngừng chạy theo những giá trị mới lạ. Thậm chí đó có thể là lợi thế của chính các thương hiệu cạnh tranh.
Sự đa dạng hoá về mô hình, hệ thống và quy trình cung cấp dịch vụ cũng là một con dao hai lưỡi. Nó liên tục mở ra cơ hội cho những nhà khởi nghiệp có đủ sức mạnh, tư duy và niềm tin nơi nguồn lực đội ngũ. Nhưng đồng thời cũng trở thành “cái bẫy tăng trưởng” một khi nhà khởi nghiệp thiếu niềm tin, dễ thay đổi và không nhất quán với định hướng của mình.
Có thể nhìn thấy trường hợp một số hàng quán vừa có yếu tố giải trí (boardgame, hồ cá Koi,…) lại vừa có yếu tố thư giãn (nhạc nhẹ, sân vườn, hòn non bộ,…). Thậm chí còn kết hợp vào đó nhu cầu học tập hay làm việc của các bạn học sinh, sinh viên và freelancer.
Không có bản sắc hoặc không nhất quán theo đuổi, gìn giữ bản sắc thương hiệu cà phê là hành động mang tính rủi ro cao khi bước chân vào thị trường F&B. Nhìn sang một số thương hiệu cà phê F&B có tên tuổi trong nước như Gờ Cafe, Phúc Long, Katinat,… tất cả đều sở hữu những giá trị, đặc tính rất riêng và nhất quán theo đuổi bản sắc thương hiệu vốn có.
Thế mạnh của Phúc Long là sở hữu và khai thác cùng lúc nhiều đồi chè ở Thái Nguyên, cùng vốn liếng hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực trà và cà phê Việt Nam.
Người ta thường không nhắc đến Phúc Long là một điểm bán cà phê pha sẵn như Highland, GUTA hay Passio. Phúc Long trước giờ vẫn nổi tiếng bởi những ly trà matcha, trà trái cây uống liền với chất lượng cao và mang đến cảm giác “khó ngủ” theo đúng nghĩa đen.
Trong khi đó Gờ Cafe xác định và theo đuổi sứ mệnh “giữ cho cà phê luôn là món uống giá rẻ, chất lượng cao mà bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể sử dụng hằng ngày.”
Đội ngũ Gờ Cafe luôn ưu tiên sử dụng cà phê nguyên liệu chất lượng cao, sau đó tối ưu giá thành sản phẩm bằng cách ổn định chi phí vật tư, trang thiết bị và vị trí mặt bằng.
Thương hiệu này thường không xuất hiện ở những cung đường lớn, thay vào đó Gờ Cafe chọn len lỏi vào những đường hẻm có lưu lượng xe đông, hay nhiều khu dân cư tầm trung bình khá có lượng cư dân sinh sống sầm uất.
Ngược lại với Gờ Cafe là câu chuyện của nhà Katinat, thương hiệu cà phê ra đời năm 2016 này hướng đến sứ mệnh “mang những phong vị mới nhất trên thế giới về Việt Nam.”
Mỗi búp trà, từng hạt cà phê nguyên liệu đều phải đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của đội ngũ Katinat – trên hành trình liên tục sáng tạo, khai phá và giới thiệu đến khách hàng trung thành những hương vị mới từ khắp năm châu.
Dù là một thương hiệu cà phê sinh sau đẻ muộn, Katinat lại không chọn tấn công vào phân khúc giá rẻ để mở rộng thị phần bằng mọi giá, cũng không theo con đường trở thành “ngôi sao truyền thông” bằng cách chi đậm vào các chiến dịch quảng cáo.
Điều giống nhau duy nhất của họ so với Phúc Long, Gờ Cafe hay nhiều thương hiệu cà phê trong nước khác, chính là xác định rồi phát triển nhất quán bản sắc của mình một cách hiệu quả.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu cà phê F&B của Phúc Long, Katinat hay Gờ Cafe là ba câu chuyện rất khác nhau. Mỗi câu chuyện là một bài học về chú trọng sự nhất quán, kiên trì với bản sắc của mình trong quá trình phát triển một thương hiệu cà phê.
Đây đồng thời là chỉ dấu cho thấy rằng, tiềm năng phát triển thương hiệu cà phê F&B vẫn còn rất lớn, dư địa thị trường vẫn còn chỗ cho các nhà khởi nghiệp có đủ sự tự tin, kiên trì và xây dựng tốt các đặc tính cạnh tranh của bản thân. Từ đó đặt niềm tin vào chính đội ngũ nhân sự cùng hệ giá trị mà mình vẫn luôn theo đuổi.
Mong những thông tin Hian Interior chia sẻ sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi Có nên xây dựng thương hiệu quán Cafe năm 2024 hay không. Cùng tìm hiểu thêm những yếu tố quan trọng trong xây dựng thương hiệu quán Cafe cùng Hian để có thể xây dựng thương hiệu riêng cho quán cafe của mình nhé!